Đại dịch COVID-19 lan rộng tại Mỹ khiến sản xuất thép tại quốc gia này sụt giảm đáng kể trong ba tháng đầu năm. Trong khi đó, các sản phẩm thép nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… tăng mạnh so với cùng kì năm ngoái.
Trong tuần 18 – 25/4, sản lượng thép thô của Mỹ đạt hơn 1,2 triệu tấn, giảm 34% so với cùng kì năm ngoái. Công suất hoạt động trong tuần chỉ đạt 55,8% trong khi cùng kì lên tới 81%. Đáng chú ý, sản lượng cũng sụt giảm 2,1% so với tuần trước đó (11 – 18/4), theo thông tin từ SteelHome.
Lũy kế đến ngày 25/4, lượng thép thô tại Mỹ ghi nhận gần 29 triệu tấn, giảm 8,3% so với cùng kì; tỉ lệ công suất hoạt động đạt 75%.
Theo Cục điều tra dân số sơ bộ, Mỹ nhập khẩu 1,75 triệu tấn thép vào tháng 3, bao gồm 1,51 triệu tấn thép thành phẩm, tăng tương ứng 16% và 12% so với cuối tháng 2. Trong ba tháng đầu năm, lượng nhập khẩu lên tới 6,4 triệu tấn, gồm 4,5 triệu tấn thành phẩm và đều giảm trên 22% so với cùng kì năm ngoái. Thị phần nhập khẩu thép thành phẩm trong tháng 3 và ba tháng đầu năm ước đạt 17%.
Các quốc gia xuất khẩu thép thành phẩm nhiều nhất qua Mỹ trong tháng 3 chủ yếu là Hàn Quốc với 205.000 tấn, tăng 29% so với cùng kì; Đức đạt 69.000 tấn, tăng 33%; Đài Loan tăng 87% lên 61.000 tấn, Tây Ban Nha tăng hơn 5 lần lên 42.000 tấn. Lũy kế ba tháng đầu năm, lượng xuất khẩu từ Hàn Quốc đạt 545.000 tấn, Nhật Bản đạt 202.000 tấn, Đức khoảng 169.000 tấn, giảm tương ứng 24%, 39%, 45%.
Đồng thời, nhu cầu một số sản phẩm thép của Mỹ tăng đáng kể so với tháng 2 gồm đường ống thép (tăng 93%), ống thép kết cấu (tăng 52%), tấm cuộn cán nguội (tăng 30%), thép dây cuộn (tăng 22%), thép thanh cán nóng (tăng 18%).
Ước tính trong quí IV/2019, Mỹ nhập khẩu 30,4 triệu tấn thép, giảm 400.000 tấn so với cùng kì năm 2018 và giảm 200.000 tấn so với quí III/2019.
Quý I vừa qua, tình hình sản xuất thép thô của nhiều nước trên thế giới đều đi xuống. Đáng chú ý, một số quốc gia châu Âu như Ý, Đức, Pháp chịu sự sụt giảm nhiều nhất do dịch COVID-19 lây lan mạnh.
Theo Hiệp hội thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô toàn cầu đạt 443 triệu tấn trong ba tháng đầu năm, giảm 1,4% so với cùng kì năm 2019.
Trong đó, sản xuất thép thô tại châu Á giảm 0,3% còn 315,2 triệu tấn. Bên cạnh đó, EU đã sản xuất 38,3 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kì. Bắc Mỹ giảm 4% còn 29,5 triệu tấn.
Tính riêng tháng 3, Trung Quốc sản xuất khoảng 79 triệu tấn thép thô, giảm 1,7% so với cùng kì năm ngoái. Ấn Độ ước tính khoảng 8,7 triệu tấn, giảm gần 14%. Nhật Bản và Hàn Quốc ước tính lần lượt đạt 8,2 và 5,8 triệu tấn thép thô, giảm tương ứng 9,7% và 8% so với cùng kì. Ngoài ra, sản xuất thép tại Mỹ giảm 6% còn khoảng 7,2 triệu tấn.
Tại EU, một số quốc gia gồm Đức, Ý, Pháp ước lượng sản xuất thép thô đạt lần lượt 2,9 triệu tấn, 1,4 triệu tấn và 1,2 triệu tấn, giảm mạnh 21%, 40% và 13% so với cùng kì năm ngoái. Tây Ban Nha cũng ghi nhận giảm 15% còn 1,2 triệu tấn.
Tại Việt Nam, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,1 triệu tấn trong tháng 3, tăng 7,9% so với tháng 2 nhưng giảm 7,8% so với cùng kì năm 2019, theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).
Bán hàng thép các loại đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 28% so với tháng 2, nhưng giảm 3,6% so với cùng kì. Trong đó, xuất khẩu thép các loại giảm 1,7% còn khoảng 422.185 tấn.
Trong ba tháng đầu năm, sản xuất thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kì; bán hàng giảm 12,4% còn hơn 5 triệu tấn, giảm 12,4%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt trên 1 triệu tấn, giảm 21,3% so với cùng kì.
Theo VSA, tính đến hết tháng 2, nhập khẩu sắt thép thành phẩm vào Việt Nam đạt gần 2 triệu tấn, với trị giá 1,18 triệu USD. Như vậy, thép nhập khẩu giảm 2,3% về lượng và giảm 13,2% về trị giá nhập khẩu so với cùng kì năm ngoái 2.
Lũy kế hai tháng, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc ghi nhận 412.000 tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 266 triệu USD, chiếm 21% tổng lượng thép nhập khẩu và 22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Về hoạt động xuất khẩu, Việt Nam đưa ra thị trường nước ngoài 691.000 tấn sắt thép trong tháng 2, với kim ngạch đạt 384 triệu USD. So với tháng 1/2020 và cùng kì năm 2019, lượng xuất khẩu trên tăng trưởng lần lượt 43% và 50%. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu thép đạt 384 triệu USD, tăng lần lượt 44% và 32% so với tháng 1 và cùng kì năm ngoái.
Trong tuần 10 – 17/4, hàng tồn kho thị trường thép Trung Quốc tiếp tục giảm, nhu cầu hạ nguồn nhìn chung có cải thiện, đặc biệt là thép thanh, thép dây cuộn và thép cán nóng. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn gia tăng. Sự lây lan của dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến xuất khẩu thép toàn cầu.
Tính đến ngày 16/4, tồn kho 5 sản phẩm thép Trung Quốc đạt hơn 21.7 triệu tấn tại 33 thành phố và các cảng, giảm hơn 1 triệu tấn, tương đương 4,4% so với tuần trước đó (3 – 10/4), theo số liệu của SteelHome.
Đối với thép cuộn cán nóng, mức giá HRC Q235 2,75mm tại 28 khu vực sản xuất chính tăng 25 nhân dân tệ/tấn so với cuối tuần trước đó, đạt 3.530 nhân dân tệ/tấn. Khối lượng giao dịch và hàng tồn kho giảm cho thấy nhu cầu hạ nguồn đang tăng lên. Tuy nhiên, thị trường vẫn có thể dư cung khi các nhà máy thép tăng sản lượng HRC.
Thép dải cán nóng cũng giao dịch tích cực trong tuần. Doanh số của các nhà máy sản xuất ống thép tăng mạnh và giá xuất xưởng tăng theo. Tại ngày 17/4, giá thép dải kích thước 2,75mm*235mm ghi nhận 3.504 nhân dân tệ/tấn, tăng 41 nhân dân tệ/tấn so với tuần trước đó; trong khi giá thép 5,5mm*685mm tăng 36 nhân dân tệ/tấn lên 3.492 nhân dân tệ/tấn.
Đối với thép cuộn cán nguội, tính đến ngày 17/4, giá CRC 0,5mm và SPCC 1mm giảm hơn 10 nhân dân tệ/tấn xuống còn lần lượt 4.131 nhân dân tệ/tấn và 3.899 nhân dân tệ/tấn.
Thị trường thép không gỉ cũng chịu nhiều biến động. Cụ thể, giá thép không gỉ 304S và 201S tăng mạnh nhưng giá 430S giảm nhẹ. Giá nguyên liệu đầu vào như cũng nikel tăng nhẹ. Một số nhà sản xuất thép không gỉ lớn như TISCO, Eastern Special Steel, Hongwang Group tăng mạnh giá thép trong tuần qua.
Trên sàn giao dịch Thượng Hải, hợp đồng tương lai thép không gỉ 304 giao tháng 6 tăng 490 nhân dân tệ/tấn lên 12.945 nhân dân tệ/tấn kể từ ngày 10/4.
Tại thị trường Foshan, tồn kho thép không gỉ của 15 nhà kho đạt 281.000 tấn tính đến ngày 15/4, giảm 49.000 tấn so với ngày 30/3, bao gồm 152.000 tấn sản phẩm thép cán nguội (CR) và 129.000 tấn sản phẩm thép cán nóng (HR).
Trong khi đó, tại thị trường Wuxi, lượng tồn kho giảm 52.000 tấn xuống còn 486.000 tấn, bao gồm 236.000 tấn CR và 250.000 tấn HR.
Đối với thép xây dựng, giá thép dây cắt nhanh HPB300 8mm và thép thanh HRB400 18-25mm đạt tương ứng 3.720 nhân dân tệ/tấn và 3.586 nhân dân tệ/tấn, tăng 10 và 16 nhân dân tệ/tấn so với ngày 10/4.
Việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án lớn và xây dựng cơ sở hạ tầng khiến khối lượng giao dịch thép tăng lên, tồn kho giảm xuống và giá thép tăng nhẹ. Tuy vậy, áp lực nguồn cung vẫn khó giảm xuống khi tốc độ vận hành lò cao tại các nhà máy đạt kỉ lục, mặc dù tỉnh Đường Sơn đã bắt đầu giới hạn sản xuất để bảo vệ môi trường.
Đối với thị trường thép tấm, giá Q235 kích cỡ trung bình đạt 3.985 nhân dân tệ/tấn và Q 235 20mm đạt 3.686 nhân dân tệ/tấn, tăng nhẹ so với tuần trước đó.
Theo Hiệp hội Công nghiệp đóng tàu Quốc gia, trong ba tháng đầu năm, tổng trọng tải đóng tàu hoàn thành của Trung Quốc đạt 7 triệu DWT, giảm 27% so với cùng kì năm ngoái. Đơn đặt hàng tàu mới tăng 6,5% lên 4,9 triệu DWT. Vào cuối tháng 3, lượng đơn đặt hàng bổ sung giảm 6% so với cùng kì còn 79,6 triệu DWT. Dự kiến xuất khẩu đóng tàu sẽ sụt giảm trong dịch COVID-19.
Thị trường thép kết cấu cũng biến động theo xu hướng giảm trong tuần qua. Các nhà máy cho biết sẽ giảm giá xuất xưởng khoảng 150 – 200 nhân dân tệ/tấn đối với dòng thép này. Hàng tồn kho thép đặc biệt giảm 33.000 tấn còn 728.600 tấn, theo số liệu của SteelHome.
Giá thép mạ màu và thép tấm Trung Quốc diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá thép mạ kẽm trung bình 0,5mm và 1,0mm của 18 khu vực sản xuất chính là 4.598 nhân dân tệ/tấn và 4.292 nhân dân tệ/tấn, không đổi so với tuần trước.
Tuy nhiên, giá thép mạ màu 0,326mm và 0,476mm giảm tương ứng 13 nhân dân tệ/tấn và 17 nhân dân tệ/tấn xuống còn 5.745 nhân dân tệ/tấn và 5.497 nhân dân tệ/tấn. Cả hai Tập đoàn Shougang và Benxi đều giảm giá xuất xưởng của thép mạ kẽm, thép mạ màu trong tháng 5.
Dịch Covid-19 đưa lại những thay đổi gì trong ngoại giao? Ngoại giao đóng vai trò thế nào ở thời kỳ trong và sau dịch bệnh? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.
Ngoại giao thường được hiểu theo cách mỹ miều là “nghệ thuật biến cái không thể thành có thể”.
Trong thực chất, ngoại giao là nghệ thuật xử lý các mối quan hệ phục vụ cho lợi ích. Lợi ích định hướng và chi phối ngoại giao. Theo định hướng và dưới sự chi phối ấy, ngoại giao thường bị tác động ở mức độ quyết định nhất bởi thực lực bao gồm sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, bởi môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại cũng như bởi truyền thống, bản sắc và trường phái ngoại giao riêng.
Uy tín và vị thế quốc tế thời dịch bệnh
Dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 do virus corona gây ra đã làm cho ngoại giao ở mọi nơi trên thế giới thay đổi và buộc phải thay đổi. Đột nhiên, môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại khác trước rất cơ bản. Đột nhiên, thế và lực của quốc gia biến động. Dịch bệnh gây ra cho các quốc gia và đối tác những vấn đề mới và thách thức mới mà các quốc gia và đối tác phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc giải quyết chúng và vượt qua chúng. Thành tố khả biến trong lợi ích quốc gia vì thế phải được xác định lại, phải được xếp đặt thứ tự ưu tiên mới và từ đó đặt ra những sứ mệnh mới cho ngoại giao.
Nếu ví tất cả các nước, các vùng lãnh thổ và các đối tác trên thế giới là học sinh trong cùng một lớp học thì dịch bệnh này giống như một bài thi mà qua kết quả bài làm của học sinh có thể không chỉ phân loại được trình độ học vấn mà qua đó còn biết được cách học nào đã giúp cho hay khiến cho học sinh có thể đạt được trình độ học vấn ấy hay chỉ đạt được trình độ học vấn ấy.
Nói theo cách khác, uy tín và vị thế quốc tế của quốc gia và đối tác tăng hay giảm tuỳ thuộc vào quốc gia hay đối tác ấy đối phó đại dịch thành công hay thất bại, kiềm chế và kiểm soát được đại dịch nhanh chóng hay chậm trễ, trả giá đắt hay không đắt cho mức độ lây lan và hoành hành của dịch bệnh, chung sống với dịch bệnh và ra khỏi dịch bệnh như thế nào, đồng thuận và ổn định chính trị ra sao ở thời dịch bệnh.
Nói theo cách khác và đơn giản hoá, vị thế và uy tín quốc tế của quốc gia và đối tác ở thời dịch bệnh sẽ tăng hay giảm tuỳ thuộc vào mức độ tin tưởng và tín nhiệm của người dân ở đấy dành cho chính quyền ở đấy. Vì thế, dịch bệnh gây khó khăn và phức tạp như nhau cho ngoại giao ở mọi nơi trên thế giới nhưng không tạo ra thuận lợi và cơ hội như nhau.
Ngoại giao trực tuyến và trực tiếp
Dịch bệnh làm thay đổi trước hết phương thức vận hành của ngoại giao. Nó làm thay đổi cơ bản mối tương quan về hàm lượng giữa ngoại giao trực tiếp và ngoại giao trực tuyến. Trực tiếp hay trực tuyến thì cũng đều chỉ là công cụ và phương cách ngoại giao. Chúng bổ sung cho nhau và hỗ trợ lẫn nhau nhưng không thể thay thế được hoàn toàn cho nhau. Ở thời còn vì dịch bệnh mà ngoại giao trực tiếp bị hạn chế hoặc bất khả thi thì ngoại giao trực tuyến không những chỉ thắng thế mà còn rất cần thiết. Nhưng ở thời sau dịch bệnh, ngoại giao trực tiếp sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế và phong độ bẩm sinh của nó và ngoại giao trực tuyến đảm trách vai trò của cộng sự đắc lực và tin cậy.
Ở thời dịch bệnh hiện tại, ngoại giao phải phục vụ cho 3 mục tiêu chiến lược hàng đầu, cũng có thể coi là ba nội hàm cụ thể mới trong phần khả biến của lợi ích quốc gia.
Thứ nhất, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh và không để dịch bệnh tái bùng phát theo bất cứ cách nào và dưới bất kỳ hình thức nào;
Thứ hai, khôi phục cũng mau lẹ và hoàn toàn như có thể được hoạt động kinh tế và đời sống của cả xã hội cũng như của người dân để giảm thiểu tối đa và nhanh chóng khắc phục những thiệt hại và tổn hại mà dịch bệnh đã gây ra;
Thứ ba, luôn giữ cái nhìn về thời sau dịch bệnh để chuẩn bị sẵn sàng đón bắt và tận dụng những cơ hội và tiền đề mới cho phát triển kinh tế xã hội. Nếu có thể được thì phải làm đồng thời cả ba việc ấy.
Để thực thi được sứ mệnh mới ở thời dịch bệnh, ngoại giao phải chủ động và năng động, phải sáng tạo và cầu thị hơn trước đấy rất nhiều. Ngoại giao trực tuyến nghe qua thì đơn giản nhưng để được suôn xẻ về kỹ thuật, yên tâm về bảo mật và đặc biệt thật sự thiết thực trong hiệu quả thì không ít vấn đề mới đòi hỏi ngoại giao phải giải quyết, không ít yêu cầu mới đòi hỏi ngoại giao phải đáp ứng. Ngoại trừ một vài đối tác ra, chứ còn đối với đại đa số các đối tác khác trên thế giới, dịch bệnh này không làm thay đổi cơ bản cả bản chất, định hướng lẫn nội dung chính sách đối ngoại của họ. Bởi vậy, ngoại giao ở thời dịch bệnh tập trung đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể.
Ba vấn đề đặt ra cho ngoại giao
Con người bộc lộ đầy đủ nhất và rõ nét nhất bản chất trong những tình huống đặc biệt. Bản chất và thực chất của các mối quan hệ song phương và đa phương giữa các quốc gia và đối tác cũng như thế. Ngoại giao ở thời dịch bệnh trước tiên phải xác định lại ưu tiên chung cũng như ưu tiên trên từng phương diện và trong từng mối quan hệ để định hình lại việc tổ chức triển khai thực hiện.
Thúc đẩy quan hệ với các đối tác bằng hỗ trợ lẫn nhau tuỳ theo khả năng để cùng nhau ứng phó và đầy lùi dịch bệnh, hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong việc bảo hộ công dân, tạo thuận lợi hơn trước để thúc đẩy quan hệ hợp tác và trao đổi thương mại,…. tức là thích ứng hoá việc vận hành các mối quan hệ song phương cũng như đa phương vào bối cảnh tình hình mới là dịch bệnh còn tác động và tất cả còn phải cùng chung sống với dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới bước sang thời sau dịch bệnh.
Dịch bệnh chi phối và lấn át mọi chủ đề nội dung khác trên chương trình nghị sự của chính trị thế giới và quan hệ quốc tế nhưng không phải là còn lại duy nhất trên đó. Bởi thế, ngoại giao vẫn phải tập trung quan tâm cả vào đấy chứ không thể sao nhãng, vẫn phải làm những gì có thể làm được chứ không bỏ gác lại.
Ở thời dịch bệnh này có 3 vấn đề đặt ra cho ngoại giao
Thứ nhất là đóng góp thiết thực vào việc định hình và tổ chức cuộc chung sống của toàn quốc gia với dịch bệnh. Nhiệm vụ của ngoại giao không chỉ là duy trì và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đã có với thế giới bên ngoài trong thời buổi dịch dã mà còn tư vấn chính sách cho những giải pháp cụ thể của nhà nước như nới lỏng cách ly và giãn cách xã hội để dần bình thường trở lại theo lộ trình thời gian, mức độ, lĩnh vực và phạm vi địa lý như thế nào để đồng thời đáp ứng được yêu cầu về chống dịch và đạt được mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho người dân và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Chừng nào còn dịch bệnh thì chừng ấy các quốc gia và đối tác sẽ còn phải quyết định lựa chọn hy sinh lợi ích của ngành nhóm nhất định nào đấy để phát triển những ngành nhóm khác giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế và cải thiện an sinh xã hội mà dịch bệnh không thể bùng phát trở lại.
Thứ hai là đóng góp vào việc tìm kiếm và vận hành lối ra khỏi dịch bệnh cho quốc gia. Cả ở đây những tiêu chí đúng về định hướng và nội dung, về thời điểm và lộ trình, về mức độ và đối tượng cũng đóng vai trò rất quyết định.
Và thứ ba là khuyến nghị những sửa đồi, điều chỉnh và bổ sung cho chính sách chung của quốc gia ở thời sau dịch bệnh, trong đó liên quan đến quan hệ song phương và hội nhập quốc tế, đến các hình thức và cấp độ của quan hệ đối tác chiến lược với đối tác bên ngoài. Mục đích ở đây không phải là làm cái mới khi chưa thật sự cần đến mà trước hết là thực chất hoá và thích ứng hoá với bối cảnh tình hình và điều kiện mới ở thời sau dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đặt ra thử thách rất lớn đối với quan hệ giữa các quốc gia. Quan hệ quốc tế thời sau đại dịch sẽ có những thay đổi gì? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra đã đẩy quan hệ quốc tế vào tình huống và tình trạng trước đó chưa từng thấy. Nó không chỉ làm đảo lộn chương trình nghị sự của chính trị thế giới và của quan hệ quốc tế mà còn báo hiệu về những thay đổi trong thời gian tới và cả trong tương lai xa.
Dịch bệnh này thử thách quan hệ quốc tế trên phương diện quan hệ quốc tế hữu ích hay vô dụng trong việc giúp chính phủ các quốc gia, chính quyền các khu vực ứng phó và dẫn dắt quốc gia hay vùng lãnh thổ ấy vượt qua dịch bệnh.
Dịch bệnh làm phép thử về năng lực quyền biến của chính phủ quốc gia và chính quyền các khu vực với sử dụng và xử lý các mối quan hệ quốc tế phục vụ cho mục tiêu ứng phó dịch bệnh và vượt qua dịch bệnh với cái giá thấp nhất và trong thời gian nhanh nhất.
Bất biến và khả biến
Dịch bệnh này còn dai dẳng chứ chưa thể sớm chấm dứt. Nhưng dù có đến khi nào mới chấm dứt đi nữa và dù có hoành hành còn dữ dội đến như thế nào đi chăng nữa thì dịch bệnh này cũng không thể làm thay đổi được hoàn toàn và cơ bản quan hệ quốc tế.
Nó đặt ra những vấn đề mới liên quan đến nhiều phương diện của quan hệ quốc tế cần phải được giải quyết. Nó đưa lại nhiều gợi mở về công cụ và phương cách mới có thể sử dụng được, thậm chí rất nên sử dụng, để vận hành và xử lý quan hệ quốc tế ở cả thời dịch bệnh chưa hẳn qua đi như hiện tại lẫn ở thời sau dịch bệnh.
Quan hệ quốc tế không bị thay đổi cơ bản về bản chất nhưng sẽ có sự thay đổi về phạm vi nội dung của chương trình nghị sự và thứ tự ưu tiên giữa các nội dung chính trên chương trình nghị sự ấy. Hình thức ngoại giao trực tuyến không phải sẽ thắng thế mà chỉ sẽ được vận dụng nhiều hơn, thường xuyên hơn và hiệu quả thiết thực hơn.
Thời sau đại dịch này sẽ là thời quá trình số hoá được ưu tiên thúc đẩy phát triển ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt trên hai phương diện là phát triển và mở rộng mạng lưới Internet quốc gia và quốc tế cũng như thu hẹp cái gọi là Digital Divide hay Digital Gap trong phạm vi quốc gia và giữa quốc gia với thế giới bên ngoài. Quan hệ quốc tế sẽ được tận lợi từ đấy rất nhiều.
Dịch bệnh này phơi bày rất rõ cái mạnh yếu của quốc gia và đối tác, cho thấy rõ dễ bị tổn thương và lâm nguy ở đâu nhưng đồng thời còn cả tiềm lực nào vẫn luôn ẩn dấu mà chỉ bộc lộ trong tình cảnh đất nước bị khủng hoảng và xã hội bị đe doạ.
Ở thời sau dịch bệnh, các đối tác lớn sẽ phải bớt kiêu ngạo và các đối tác nhỏ sẽ tự tin hơn trong cả các mối quan hệ song phương cũng như đa phương. Việc áp đặt quan điểm và giáo huấn hệ giá trị trong quan hệ quốc tế sẽ bớt đi rất nhiều. Nhu cầu về đẩy mạnh hợp tác song phương cũng như đa phương sẽ được coi trọng hơn và gia tăng.
Các đối tác lớn và mối quan hệ giữa các đối tác này với nhau vẫn chi phối nhiều nhất quan hệ quốc tế ở thời sau dịch bệnh. Nhưng vì tất cả các đối tác này dưới tác động của dịch bệnh đều đã không thể che giấu được tính tương đối và không ổn định của sức mạnh và thế mạnh của họ nữa, cũng như đồng thời đã bị phơi bày tính tuyệt đối của những điểm yếu mới của họ nên tuy vẫn cạnh tranh chiến lược với nhau nhưng không dám đi quá xa và quá đà cũng như vẫn phải hợp tác với nhau nhưng sẽ thận trọng và luôn giữ dư địa để lùi.
Vì thế, sau này thì không loại trừ chứ trong thời gian tới, cục diện quan hệ giữa các đối tác lớn sẽ không có đột biến. Dịch bệnh này đã buộc tất cả đều phải nhìn lại chính mình và nhìn đối tác bằng con mắt khác.
Thiếu vắng một ‘nhạc trưởng’
Dịch bệnh này có động chạm đến nhưng không làm thay đổi cơ bản nền tảng và nguyên tắc cơ bản lâu nay của quan hệ quốc tế. Những vấn đề lâu nay nổi bật trong quan hệ quốc tế rồi sẽ dần trở lại thời sự nhưng những ngày tháng dịch bệnh này sẽ còn ám ảnh quan hệ quốc tế trong thời gian dài.
Các nước và các đối tác rồi sẽ dần đi tới và chấp nhận sự hiểu biết chung rằng, quyết sách của đối tác nào đó trong tình huống khẩn cấp đặc biệt cần phải được hiểu và chấp nhận từ giác độ của sự cần thiết đối với đối tác ấy chứ không phải từ giác độ tính tương thích của nó với những nguyên tắc và nền tảng chung của quan hệ quốc tế.
Dịch bệnh là kẻ thù chung của thế giới và nhân loại. Hiện trên thế giới đã có rất nhiều liên minh và liên kết, tổ chức và khuôn khổ hợp tác. Nhưng ở thời dịch bệnh hiện tại, thế giới thiếu vắng gần như hoàn toàn tổ chức hay thể chế, quốc gia hay thậm chí cá nhân nào có khả năng và bản lĩnh đảm trách vai trò ‘nhạc trưởng’ thôi chứ không nói đến vai trò ‘thuyền trưởng’ đoàn kết tập hợp được cả thế giới cùng đối phó và đẩy lùi dịch bệnh.
Quan hệ quốc tế ở thời sau dịch bệnh sớm hay muộn rồi cũng sẽ có những chuyển biến nhất định theo hướng tìm kiếm và gây dựng cơ chế xử lý khủng hoảng chung cho cả thế giới trong trường hợp lại xảy ra khủng hoảng chung đối với cả thế giới trên mọi phương diện chứ không phải chỉ có về dịch bệnh hay thiên tai.
Nếu ví dịch bệnh này là một cú đòn giáng vào quan hệ quốc tế thì cú đòn ấy không gây ra thương tích trên thân thể của quan hệ quốc tế nhưng làm đau đủ mức để tất cả các bên liên quan tự điều chỉnh và thay đổi, cùng nhau chấn chỉnh và phát triển quan hệ quốc tế ở thời sau dịch bệnh sao cho không còn bị đòn đau nữa.
Ngay giữa đại dịch Covid-19, các quốc gia đã phải tính đến những kịch bản ‘lối ra’, nhất là về kinh tế. Thương mại và kinh tế thế giới đang và sẽ phải có điều chỉnh và thay đổi ra sao? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.
Kinh tế và thương mại thế giới sẽ thay đổi bởi sự hình thành của một nhu cầu đảm bảo an ninh mới nhằm đối phó với khủng hoảng dịch bệnh. Minh họa của Bretton Woods Project.
Rất ảm đạm là bức tranh chung hiện được phác hoạ về triển vọng của kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới. Tông điệu chung là tác động của đại dịch virus corona tai hại khủng khiếp đối với thế giới.
Sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới?
Khái niệm chung được sử dụng trên thế giới là suy thoái mạnh và việc sử dụng khái niệm ‘khủng hoảng kinh tế thế giới’ rất thận trọng. Tiếp cận theo cách nào và với nhận thức nào thì sẽ có sự lựa chọn nấy cho việc sử dụng khái niệm.
Dù vậy, nếu so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầu tiên năm 1857 – 1859, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thứ hai hồi 1929 – 1939 và thời kỳ khủng hoảng tài chính, nợ công năm 2008/2009 – mà nhiều khi cũng được đổ đồng là khủng hoảng kinh tế thế giới – thì đại dịch bệnh hiện tại tác động tới kinh tế và thương mại thế giới có 4 điểm khác biệt rất cơ bản.
Thứ nhất, tất cả các nền kinh tế đều đồng thời bị tác động bất ngờ theo cách như nhau. Thứ hai, cả phía cung lẫn bên cầu đồng thời bị suy giảm chứ không bị mất cân đối đáng kể so với trước đấy. Thứ ba, kinh tế và thương mại sa sút không phải do nguyên nhân trong hệ thống hay mang tính cơ cấu mà do hiệu ứng từ những biện pháp hành chính cần thiết để đối phó đại dịch như phong tỏa, giãn cách hay cách ly xã hội, phong toả biên giới quốc gia… Và thứ tư là mức độ toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế hiện tại cao hơn trước đây rất nhiều.
Để có thể dự liệu được về triển vọng của kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới thì trước hết cần phải định nghĩa rõ khi nào thế giới được coi là hết đại dịch, tức là khi nào chính thức bắt đầu thời kỳ sau đại dịch. Định nghĩa khác nhau sẽ đưa lại những dự báo khác nhau.
Định nghĩa chung được chấp nhận nhiều nhất là thế giới hết dịch khi không còn người lây nhiễm mà thế giới chỉ không còn người bị lây nhiễm khi có được vaccine phòng dịch và thuốc chữa. Bởi thế, phía trước con người và quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới hiện tại là hai thời kỳ: thời kỳ cùng tồn tại và chung sống với dịch bệnh, tiếp theo đó là thời kỳ không còn dịch bệnh. Nhưng ngay từ bây giờ thôi, kinh tế và thương mại thế giới đã bắt đầu phải thay đổi.
Lối ra nào khỏi đại dịch?
Chiến lược hay kịch bản lối ra khỏi đại dịch đều bao gồm việc từng bước dần khôi phục hoạt động của xã hội và nền kinh tế, vừa thích ứng với tình trạng còn bị dịch bệnh ảnh hưởng vừa chuẩn bị sẵn sàng bước vào thời kỳ sau dịch bệnh.
Đại dịch buộc các nền kinh tế và đối tác từ nay phải thận trọng hơn trong toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế, không từ bỏ cũng như không thụt lùi, không chững lại cũng như không né tránh nhưng sẽ phải lưu tâm thoả đáng hơn đến tốc độ và mức độ, lộ trình và cơ chế để giảm thiểu như có thể được rủi ro dễ bị tổn thương và lệ thuộc vào biến động bất ngờ trong toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế.
Việc lựa chọn đối tác để hợp tác, lãnh thổ để đầu tư, thị trường để trao đổi hàng hoá và dịch vụ sẽ phải được suy tính và thực hiện chu toàn hơn trước để đảm bảo thị trường không bị cách trở và chuỗi cung ứng cũng như tạo giá trị không bị gián đoạn bởi đột biến mới có thể xảy ra. Nói theo cách khác, các nền kinh tế và đối tác sẽ phải cấu trúc lại cho riêng mình hoặc cùng nhau cấu trúc lại toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại và hội nhập quốc tế. Phân công lao động quốc tế vì thế sẽ thay đổi rất cơ bản.
Ở đây sẽ có hai sự thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và thương mại thế giới. Thứ nhất, từ bài học rút ra được về sự lệ thuộc vào thị trường và sản xuất phụ kiện ở Trung Quốc mà đại dịch này đã phơi bày một cách không thương tiếc, tất cả các đối tác phải thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị của họ. Trong một thời gian nhất định ở phía trước, Trung Quốc sẽ khó có thể tránh khỏi tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đầu tư và dịch chuyển sản xuất kinh doanh ra khỏi Trung Quốc để hồi hương hoặc dịch chuyển đến nơi khác trên thế giới.
Không phải ai cũng làm như chính phủ Nhật Bản có hẳn chương trình tài chính 2 tỷ USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc về Nhật Bản và chi 216 triệu USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc chuyển dịch sang các nước khác nhưng chắc chắn trên thực tế rồi cũng sẽ làm thế với mức độ khác nhau và vào thời điểm khác nhau. Làm thế không có nghĩa là không hợp tác nữa với Trung Quốc mà chỉ cẩn trọng hơn và ‘bảo hiểm’ hiệu quả hơn trước những rủi ro từ sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Kinh tế và thương mại sẽ thay đổi ra sao?
Chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị sẽ thay đổi theo hướng vừa được đa dạng hơn, tức là dễ dàng và nhanh chóng có thể thay thế được cho nhau hơn, lại vừa tạo thành mạng lưới kết nối nhiều chuỗi với nhau để ‘bọc đỡ’ lẫn nhau.
Kinh tế và thương mại thế giới sẽ còn thay đổi bởi sự hình thành của một nhu cầu đảm bảo an ninh mới – như đảm bảo an ninh lương thực hay đảm bảo an ninh năng lượng – là các đối tác đảm bảo luôn tự chủ về cung ứng những sản phẩm, thiết bị hay vật liệu cần thiết để đối phó khủng hoảng, đặc biệt về thuốc men, trang thiết bị y tế và tăng cường khả năng có thể nhanh chóng chuyển đổi sản xuất bình thường sang sản xuất những vật dụng hay thiết bị cần thiết cho việc ứng phó khủng hoảng. Cơ cấu kinh tế và thương mại quốc gia và quốc tế vì thế sẽ thay đổi, ưu tiên chính sách kinh tế và thương mại quốc gia vì thế cũng thay đổi.
Thứ hai là ngành du lịch và vận tải, đặc biệt hàng không, sẽ thay đổi rất cơ bản. Tất cả các đối tác đều phải định hình lại chính sách xuất nhập cảnh và quản lý biên giới quốc gia, chiến lược phát triển du lịch và hoạt động giao thông vận tải trên bộ, trên không cũng như trên biển. Các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ không co về đóng cửa hay khép kín, nhưng rõ ràng là việc kiểm soát thông thương, đặc biệt về dịch tễ, sẽ phải thắt chặt hơn và đảm bảo hiệu quả hơn rất nhiều. Các quốc gia và các vùng lãnh thổ rồi đây cũng còn bị buộc phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trước rất nhiều để xử lý những khía cạnh này.
Xưa nay, chưa có một cuộc khủng hoảng thế giới nào mà chỉ có chiến tranh thế giới mới làm thay đổi được trật tự chính trị an ninh, kinh tế, tài chính và thương mại thế giới. Nếu coi kinh tế và thương mại thế giới như một ngôi nhà thì đại dịch hiện tại giống như cơn giông bão và sau đấy, biết được nền sụt ở đâu cần phải san lấp, tường nứt ở đâu cần được trát kín, cửa rả bung tróc ở đâu cần phải sửa sang và thậm chí cả dột mái chỗ nào phải được lợp kín lại.
Có người hỏi Thủ tướng, Việt Nam còn là dân tộc anh hùng khi tất cả như đang co lại trước dịch bệnh. Tại Mỹ, mỗi ngày có hàng nghìn người chết, vẫn luôn tính đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Vậy bao giờ Việt Nam mở?
“Cho đến nay, chưa có bất kỳ người dân Việt Nam nào qua đời vì dịch bệnh COVID-19”, Thủ tướng nói, “chúng ta chưa từng để đất nước lâm nguy vì dịch bệnh và chắc chắn không bao giờ để đất nước lâm nguy. Cánh cửa kinh tế cũng chưa từng đóng lại”.
Thời điểm cao trào được xác định trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng là từ 0h ngày 1/4 và kéo dài trong vòng 15 ngày. Thủ tướng luôn bày tỏ ông thấy rất khó khăn khi ra các yêu cầu về chống dịch bệnh khiến nhiều bất tiện cho người dân. Nhưng trên thực tế, có thể thấy, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện một nỗ lực rất cao để cho toàn dân có được cảm giác nhẹ nhàng nhất trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Không chỉ các siêu thị mà các chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động, người dân vẫn được mua sắm. Một loạt các hoạt động kinh tế vẫn được tiếp diễn như nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ngân hàng, kho bạc, công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa…
Vào tuần trước, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương bàn phát triển kinh tế. Tới đây, ông tiếp tục chủ trì Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp. Với độ mở lên tới hơn 200% GDP, nền kinh tế Việt đứt đoạn vì dịch bệnh là thực tế không thể tránh khỏi, nhưng như khẳng định của Thủ tướng, “không những không thể đứt gãy mà còn phải vượt mạnh, như cái lò xo bị nén bật ra để đuổi kịp thời gian”.
Không có chiến dịch nào gọi là “mở cửa trở lại”, bởi vì nền kinh tế Việt Nam chưa từng đóng cửa, mà chỉ là “nếu như trước khi xuất hiện dịch bệnh chúng ta đã rất cố gắng trong phát triển kinh tế thì giờ đây, phải cố gắng gấp đôi, gấp ba”, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, việc triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp tại Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ Tài chính có nhiều hơn nữa các sáng kiến, giải pháp về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Công Thương có nhiều hơn nữa các sáng kiến, giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu; chính sách ưu đãi đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch; giải pháp thúc đẩy các dự án công nghiệp, năng lượng quy mô lớn.
Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều hơn nữa các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống kinh tế – xã hội, định hướng truyền thông vận động, hỗ trợ tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển…
Nhìn rộng ra, vào thời khắc thế giới đảo lộn vì dịch bệnh và bấn loạn với cảnh “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, thì Việt Nam cũng chưa từng thực sự “đóng cửa”. Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong lúc đặc biệt khó khăn này, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình và quyết tâm vai kề vai sát cánh với các nước thành viên chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua sóng gió.
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã chủ động, tích cực, hành động nhanh chóng, dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan, đồng thời giảm thiểu tác động kinh tế – xã hội của dịch bệnh.
Tổng Thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi đánh giá, “Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19”
Thủ tướng vẫn rất trăn trở trước câu hỏi, Việt Nam có còn là dân tộc anh hùng hay không khi mà tất cả như đang co lại? Và ông thấy, “người dân Việt Nam, nếu có co lại trước COVID- 19 thì không phải là nỗi sợ cho riêng mình, mà đó là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Một dân tộc chỉ có thể thực sự anh hùng, khi trước hết, đó phải là dân tộc khỏe mạnh”.
Đại hội Hiệp hội Thép Việt Nam nhiệm kỳ V (2019-2023) đã tổ chức thành công tốt đẹp. Kết thúc Đại hội đã nhất trí với danh sách Ban Chấp hành nhiệm kỳ V gồm 13 người. Đồng thời, Ban Chấp hành tiến hành họp phiên thứ nhất và bầu ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Tổng Công ty Thép Việt Nam-CTCP làm Chủ tịch Hiệp hội trong nhiệm kỳ mới. Nhiệm kỳ V của Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ là giai đoạn ngành thép Việt Nam bước sang một tầm cao mới, công nghệ kỹ thuật hiện đại và phát triển bền vững hướng tới công nghiệp 4.0.
Chiều 12/4/2019, tại Hà Nội, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tổ chức Đại hội V, nhiệm kỳ 2019-2023.
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2013-2018), ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA nhiệm kỳ IV cho biết, đây là giai đoạn ngành thép Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, đầu tư, kiện toàn tổ chức, hợp tác quốc tế và phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, trong những năm qua ngành thép cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do dư thừa công suất, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt không chỉ từ những doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp của thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào lại tăng giảm thất thường, những yếu tố đó tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép. Xác định được khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất; đổi mới cả về tư duy, quản trị, tích sản xuất kinh doanh những năm qua đều có mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, về tình hình nhập khẩu, do chưa phát triển đồng bộ và toàn diện nên hàng năm, năm nước ta phải nhập khẩu một số lượng khá lớn bán thành phẩm (phôi thép) và các loại thành phẩm, đặc biệt là thép dẹt cán nóng (HRC), thép không gỉ và thép chế tạo.
Số lượng nhập khẩu thép thành phẩm tăng từ 11,2 triệu tấn năm 2014 lên 17,5 triệu tấn năm 2016. Từ năm 2017, Việt Nam đã sản xuất thép cuộn cán nóng nên số lượng thép nhập khẩu năm 2017 đã giảm 16% và tiếp tục giảm 6,7% vào năm 2018. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục trong những năm tiếp theo.
Về tình hình xuất khẩu, mặc dù còn gặp phải nhiều cản trở (hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại do các nước áp dụng) nhưng hàng năm, ngành thép nước ta vẫn xuất khẩu với số lượng và kim ngạch ngày càng tăng. Nếu như, năm 2014, xuất khẩu được 2,55 triệu tấn thì 2017 đã đạt 4,85 triệu tấn.
Năm 2018, mặc dù gặp nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng đối với các sản phẩm ngành thép xuất khẩu của nước ta, nhưng số lượng xuất khẩu vẫn đạt 6,68 triệu tấn, tăng gần 28% so với năm 2017.
Theo dự tính, trong nhiệm kỳ V, giai đoạn 2019 – 2023 nằm ở nửa cuối kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm “giai đoạn 2016-2020”, nửa đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo khá cao, 6,7-7,0%/năm nên nhu cầu thép cũng tăng cao.
Đây cũng là giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế giới mới sẽ tạo điều kiện tốt cho ngành Thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, công nghệ tốt cho sản xuất thép.
Dự báo trên cho thấy ngành thép sẽ gặp những thuận lợi nhất định, tuy nhiên việc thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại sẽ tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn, nhất là với các sản phẩm thép từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cũng phải xác định, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vụ tranh tụng thương mại quốc tế diễn ra thường xuyên hơn, đây chính là nguyên do làm cho công tác xuất khẩu các sản phẩm thép sẽ gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên, bên cạnh những thuận lợi, ngành thép phải đối mặt với khó khăn lớn, nhưng với quyết tâm đổi mới toàn diện, sáng tạo, VSA tin rằng ngành thép Việt Nam sẽ phấn đấu sản xuất kinh doanh tăng trưởng trung bình khoảng 8% – 10%/năm. Năm m 2019 và 2020 dự kiến tăng trưởng khoảng 10%; 2021 đến 2023 trung bình là 8%.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Phúc – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam đã bày tỏ quan điểm lo ngại trước sức ép cạnh tranh của ngành thép ngày càng gay gắt kể từ năm 2010 trở lại đây. Qua đây, ông cũng cho rằng, việc tăng cường công tác thị trường là rất quan trọng nhưng cần có sự cạnh tranh lành mạnh.
Để ngành thép phát triển mang tính ổn định, đưa sản phẩm thép có chất lượng tốt tới người tiêu dùng cần phải có biện pháp ngăn chặn hàng kém chất lượng tràn vào trong nước.Cụ thể, đối với sản phẩm phôi thép trong thời gian này gặp nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh với phôi giá rẻ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước phải mua nguyên liệu đầu vào giá cao, nhưng đầu ra của phôi lại thấp nên càng sản xuất càng thua lỗ. Trước đây việc phòng vệ thương mại được áp dụng mạnh mẽ nên sản phẩm phôi trong nước bớt đi phần nào khó khăn, nhưng đến nay bảo hộ cũng sắp hết liệu lực.
Do đó, doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước đang rất cần các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương xem xét, sớm tiếp tục ban hành bộ tiêu chuẩn bảo vệ sản phẩm phôi thép, giúp doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển ổn định, bảo toàn nguồn vốn và tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Tại Đại hội, các hội viên, thành viên đều nhất trí với danh sách Ban Chấp hành nhiệm kỳ V 2019-2023 gồm 13 người. Sau khi tiến hành họp phiên thứ nhất, Ban chấp hành Đại hội V đã nhất trí bầu ông Nghiêm Xuân Đa giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – VSA nhiệm kỳ V, giai đoạn 2019-2023.
Trên cương vị mới, ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, vì lợi ích của các thành viên Hiệp hội, lãnh đạo Hiệp hội Thép khóa V sẽ tăng cường triển khai hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể,
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội để giải quyết những vấn đề nóng như: sự gia tăng tranh chấp thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề môi trường, sử dụng tài nguyên trong sản xuất…
Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, phản biện và đối thoại với các bộ, ngành và Chính phủ để Hiệp hội có tiếng nói trọng lượng, uy tín trong việc đề xuất các giải pháp chính sách công nghệ, môi trường, đầu tư và thương mại cho sản xuất để thức đẩy sự phát triển của từng thành viên Hiệp hội nói riêng và sự phát triển của ngành công nghiệp Thép nói chung.
Thứ ba, nâng cao chất lượng xây dựng, cung cấp thông tin cho các thành viên về sản xuất, tiêu thụ, đầu tư và xây dựng hệ thống thống kê về chỉ số đánh giá sự phát triển của ngành thép.
Thứ tư, tăng cường nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong khu vực, các tổ chức quốc tế, mở rộng và chủ động đối thoại.
Để thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội và chỉ đạo của các Bộ, ngành, tân Chủ tịch VSA kêu gọi sự ủng hộ của tất cả các thành viên trong Hiệp hội, đề nghị tất các các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy thế mạnh của từng cá nhân để chung sức đưa Hiệp hội Thép Việt Nam ngày càng phát triển.