Hậu COVID-19: Cứu doanh nghiệp để tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới

Đây là chia sẻ của TS.Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch COVID-19”, sáng 15/5.

Hậu COVID-19: Cứu doanh nghiệp để tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới ảnh 1
1TS.Trần Đình Thiên chia sẻ tại  buổi sinh hoạt chuyên đề của CLB Cafe Số “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch COVID-19”. Ảnh: DNVN/Minh Hoa.

Nhận định về tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, TS.Trần Đình Thiên cho rằng dịch bệnh này là tình huống đặc biệt, là tổng hợp của nhiều vấn đề. COVID-19 đẩy nhiều vấn đề trở nên quyết liệt hơn, là tình thế phát triển mới cho Việt Nam. Đồng thời, dịch bệnh đánh thức, giúp chúng ta nhận thấy sống thế không ổn, cần, phải và có thể sống khác – chỉ cần 1 chiếc điện thoại di động là có thể ở nhà cả ngày, mua sắm, đi chợ mà không cần ra đường.  

Thế giới đang trong quá trình thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị, trong đó COVID-19 chỉ là yếu tố kích phát. Khi dịch bệnh này qua đi, việc thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu sẽ diễn ra khốc liệt hơn. Nếu không nhận diện sự thay đổi này tốt, Việt Nam sẽ không tận dụng được cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế.

“Tìm cơ trong nguy” khi “có nguy trong cơ”

Ông Thiên cho rằng, “tìm cơ trong nguy” là vấn đề hay được nói tới mỗi khi nền kinh tế cần vượt qua khó khăn, thử thách.

Tuy nhiên, trong khó khăn hậu COVID-19, cần phải “tìm cơ trong nguy” trong bối cảnh “có nguy trong cơ”.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Thiên chỉ rõ: Trước dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã trải qua 3 năm tăng trưởng tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài. Tuy nhiên, dòng vốn FDI trong năm 2019 đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Cụ thể, trong năm 2019, số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng 20% nhưng tổng số vốn đăng ký đầu tư mới giảm tới 16%. Như vậy, quy mô dự án FDI vào Việt Nam giảm tới 40%.

Điều này cho thấy 2 nguy cơ chính. Đó là, nhiều dự án FDI là từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Cùng với đó, Việt Nam bán được sang Mỹ rất nhiều nhưng nhập từ Trung Quốc cũng rất lớn dẫn đến việc phụ thuộc giao thương vào 2 nền kinh tế lớn này.

Một nguy cơ nữa không thể không nhắc đến: Khu vực FDI đang có mức tăng trưởng vượt trội hơn kinh tế nhà nước, và hơn hẳn khu vực kinh tế tư nhân. Điều này khiến cho DNNVV của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn trong nền kinh tế.

Hậu COVID-19: Cứu doanh nghiệp để tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới ảnh 2

Hiện ngành du lịch – lĩnh vực có đóng góp ngày càng quan trọng cho phát triển kinh tế – đang bị ảnh hưởng nặng nề từ việc vắng nguồn khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây cũng là “nguy” nếu không tìm kiếm thị trường mới.  

Ông Thiên lo ngại việc “tìm cơ trong nguy” vẫn chỉ theo kiểu nhặt nhạnh và nếu chỉ theo “cái cơ” đó thì sẽ “lùn mãi”. Đồng thời, nếu không có sự chuẩn bị, không có đủ năng lực, Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ lỡ các cơ hội lớn.

Cơ hội tạo “nguồn sống mới” cho doanh nghiệp

Theo TS. Trần Đình Thiên, dịch bệnh COVID-19 là cơ hội tốt để Việt Nam tạo ra “nguồn sống mới”.

Tuy nhiên, việc giải cứu nền kinh tế nên tập trung vào các doanh nghiệp còn nguồn lực để vực dậy và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ.

“Nếu cứu các doanh nghiệp cũ thì sau dịch bệnh vẫn là nền kinh tế cũ (li ti, nhỏ và vừa) nếu cứu các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chúng ta sẽ có nguồn lực mới, nền kinh tế mới. Dịch COVID-19 là lý do để thay máu nền kinh tế tốt nhất”, ông Thiên nói.

Bàn về việc Chính phủ cứu trợ cộng đồng doanh nghiệp, ông Thiên cho rằng bên cạnh việc cứu các doanh nghiệp đang yếu thì phải tập trung tạo ra một hệ thống doanh nghiệp mới với thông điệp cứu doanh nghiệp để tạo ra hệ thống doanh nghiệp mới, chứ không phải phục hồi các doanh nghiệp cũ.

Điều quan trọng hơn hiện nay là “cột chống trời” của kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp lớn chứ không phải doanh nghiệp nhỏ. Thường thì các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam không dính vào chuỗi sản xuất, năng lực thích nghi tốt nên “không chết”.

“Đáng ngại nhất vẫn là các doanh nghiệp lớn chết. Doanh nghiệp lớn mà chết là vỡ hệ thống và điều này rất đáng sợ”, ông Thiên khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Thiên, Chính phủ cần dành nguồn lực ít ỏi của đất nước này để hỗ trợ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu tập trung cứu những doanh nghiệp kiểu cũ thì sau COVID-19 nền kinh tế vẫn như cũ. Đây chính là cơ hội thay máu cho nền kinh tế, tạo ra một hệ thống khuyến khích mới, cho một lực lượng mới. Khi đó, một thời đại doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện.

(Nguồn: doanhnhanviet.news)