Trung Quốc tăng mua đột biến hơn 1.800% sắt thép Việt Nam

Trong 8 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,9 triệu tấn sắt thép, riêng Trung Quốc mua 2 triệu tấn. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc tăng mua đột biến, khoảng 1.860%.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2020, Việt Nam xuất đi 5,9 triệu tấn thép, kim ngạch ước đạt 3,1 tỷ USD. Với mức giá bình quân khoảng 12 triệu đồng/tấn, giá sắt thép xuất khẩu của Việt Nam hiện giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc mua hơn 1/3 lượng thép xuất khẩu trên, với 2 triệu tấn, đạt kim ngạch 844 triệu USD, giá bình quân 9,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn 2,3 triệu đồng/tấn so với giá xuất khẩu bình quân ra các thị trường khác. Mức giá này cũng thấp hơn gần 2 triệu đồng/tấn so với mức giá sắt thép mà nước này mua của Việt Nam năm ngoái. 

Tin tức thép Miền Bắc Nosco JSC

Việt Nam tăng xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc với số lượng lớn, tăng hơn 1.800% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, 8 tháng qua, lượng nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam của Trung Quốc tăng đột biến, tăng gần 1,99 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 1.860%.

Một số thị trường khác cũng tăng nhập sắt thép các loại từ Việt Nam như Brazil tăng 195% về lượng và tăng 144% về kim ngạch, đạt 16.602 tấn, tương đương 12,44 triệu USD; Đức tăng 143% về lượng và tăng 91,7% về kim ngạch, đạt 2.305 tấn, tương đương 3,03 triệu USD; Thái Lan tăng 89,5% về lượng và tăng 70,7% kim ngạch, đạt 469.212 tấn, tương đương 260,07 triệu USD.

Hiện, sắt thép xuất khẩu của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn về số lượng của Formosa (Hà Tĩnh). Từ giữa năm 2018, Formosa bắt đầu vận hành cả 2 lò cao, sắt thép xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ đầu năm 2019. Trong năm 2020, bất chấp bối cảnh dịch bệnh gia tăng, sắt thép xuất đi của Việt Nam không có dấu hiệu chững lại.

Ngoài sắt thép, Trung Quốc thời gian qua tăng tốc mua hàng loạt nguyên vật liệu, tài nguyên, sản phẩm thô của Việt Nam. Cụ thể như quặng và khoáng sản gần 1 triệu tấn, clinker và xi măng hơn 12,5 triệu tấn, dầu thô hơn 1,68 triệu tấn, cao su gần 700.000 tấn…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập sắt thép của Trung Quốc với số lượng 2,6 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD, với giá bình quân 14 triệu đồng/tấn.

Đáng chú ý, sản phẩm hoàn thiện từ sắt thép Việt Nam nhập từ Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD. Trong khi đó ở chiều xuất sang Trung Quốc, mặt hàng này của Việt Nam chỉ đạt kim ngạch vỏn vẹn 52,8 triệu USD.

Việc xuất khẩu sắt thép các loại số lượng lớn trong khi xuất khẩu sản phẩm sắt thép chỉ đạt kim ngạch ít ỏi cho thấy Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thép tiền chế, phôi thép, thép cuộn, thép xây dựng… Đây là các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, việc tăng trưởng xuất khẩu ngành công nghiệp nặng sắt thép là dấu hiệu đáng mừng bởi đây là điều kiện để doanh nghiệp giải phóng được hàng tồn kho, tạo việc làm và duy trì năng lực sản xuất trong điều kiện khó khăn.

Trước đó, Trung Quốc cũng tăng mua gấp đôi số dầu thô từ Việt Nam, với khoảng 1,68 triệu tấn.

Theo báo Nikkei (Nhật Bản), Trung Quốc trong 2 đến 3 năm trở lại đây đang tăng cường tích trữ các năng lượng và nguyên liệu thô quý hiếm nhằm dự trữ cho quốc gia và tránh các bất ổn về giá cả cũng như nguy cơ xung đột thương mại với nhiều nước.

Các loại năng lượng, nguyên liệu thô quý hiếm được Trung Quốc săn lùng mua của thế giới như đất hiếm, coban, dầu mỏ, than đá, kim cương và gần đây là bông, đậu nành…

(Nguồn: petrotimes.vn)