Sau khoảng thời gian áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép hình có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam kể từ năm 2017 đến nay
Từ năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Quyết định số 3283/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc.
Sản phẩm này được phân theo các mã HS: 7216.33.11, 7216.33.19, 7216.33.90, 7228.70.10, 7228.70.90. Sau khi rà soát lần thứ nhất vào tháng 10.2020, mức thuế chống bán phá giá với thép hình chữ H Trung Quốc được quyết định trong khoảng 20,48 – 29,17% (tùy từng doanh nghiệp), áp dụng từ ngày 25.10.2020 – 5.9.2022.
Sau khi thép hình chữ H của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Malaysia sang Việt Nam lại tăng đột biến, lên hơn 213 tỉ đồng trong năm 2019 và 848 tỉ đồng trong năm 2020.
Khi có dấu hiệu về việc thép hình chữ H được sản xuất tại Malaysia sau đó xuất khẩu sang Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá, Bộ Công thương quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ Malaysia ở mức 10,64%. Mức thuế này thấp hơn so với mức thuế đang áp dụng với thép hình H nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vừa qua, sau khi tiến hành rà soát lại các các hoạt động thương mại trên thị trường thép hình, Bộ công thương quyết định gia hạn thêm 5 năm hiệu lực đối với thuế chống bán phá giá sau khi kết thúc đợt 2 của kì rà soát vào ngày 5/9/2022 vừa qua
Theo quyết định chính thức tại văn bản số 1640/QD-BCT, Bộ công thương quyết định gia hạn thêm thời gian áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép hình có xuất xứ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 06/10/2022 đến ngày 06/10/2027
Giá thép hôm nay giảm xuống mức 4.664 nhân dân tệ/tấn trên Sàn giao dịch Thượng Hải. Tại Trung Quốc, các giao dịch thép ngoài nước đã tăng lên đều đặn sau khi tạm lắng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Giá thép hôm nay tiếp tục đi xuống
Giá thép hôm nay giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 7 nhân dân tệ xuống mốc 4.664 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h45 (giờ Việt Nam).
Tên loại
Kỳ hạn
Ngày 26/2
Chênh lệch so với ngày hôm qua
Giá thép
Giao tháng 5/2021
4.664
-7
Giá đồng
Giao tháng 4/2021
67.670
-1.480
Giá kẽm
Giao tháng 4/2021
21.345
-325
Giá niken
Giao tháng 4/2021
139.610
-2.500
Giá bạc
Giao tháng 6/2021
5.567
-146
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn). Tổng hợp: Thảo Vy
Tại Trung Quốc, các giao dịch thép ngoài nước đã tăng lên đều đặn sau khi tạm lắng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Mysteel Global đưa tin.
Trong bối cảnh giá thép quốc tế tiếp tục tăng cao, những đồn đoán liên quan đến việc cắt giảm các khoản thuế xuất khẩu đối với mặt hàng thép đã trở nên gay gắt hơn cả trong và ngoài Trung Quốc.
Ngay từ tháng 12/2020, nhiều người đã cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ sửa đổi việc giảm thuế đối với một số sản phẩm thép.
Tin đồn này càng được củng cố khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đưa ra chủ trương giảm sản lượng thép thô của Trung Quốc trong năm nay.
Các hiệp hội thép của Trung Quốc đề xuất bổ sung nguồn cung thép trong nước, bằng cách loại bỏ việc giảm giá như một biện pháp hạn chế xuất khẩu thép.
Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào từ Bắc Kinh về đề xuất nêu trên, nhưng những cuộc bàn tán thị trường về chủ đề này ngày càng lan rộng.
Hiện tại, các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc đang muốn tận dụng thời điểm giá thép toàn cầu tăng cao để tăng doanh số bán hàng quốc tế. Họ lo ngại nếu giá giảm trở lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc ký hợp đồng.
Hầu hết các cuộc thảo luận về việc cắt giảm chiết khấu thường liên quan nhiều đến thép cuộn cán nóng (HRC). Nguyên nhân là do xuất khẩu HRC dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái bởi nhu cầu tại nước ngoài đang ở mức cao.
Theo ghi nhận trong năm 2020, xuất khẩu HRC của Trung Quốc chiếm 12,5%, tương đương khoảng 6,7 triệu tấn tổng xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Kể từ ngày 23/2, các thương nhân thép Trung Quốc đã nâng giá chào hàng xuất khẩu HRC lên 700 USD/tấn FOB, tăng 40 – 50 USD/tấn so với tuần trước đó.
Ngược lại, kể từ ngày 17/2, giá HRC giao dịch nội địa tại Mỹ được cho là đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 60 năm là 1.312 USD/tấn đối với đợt giao tháng 4 sắp tới.
Trong khi Hoa Sen (HSG) gia tăng mạnh thị phần mảng ống thép và tôn mạ thì Hòa Phát (HPG) lại thúc đẩy tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC). Formosa Hà Tĩnh vẫn là nhà sản xuất HRC lớn nhất cả nước nhưng đã bắt đầu phải san sẻ thị phần với Hòa Phát
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần 3 ở Việt Nam được kiểm soát, các hiệp định thương mại tự do EVFTA, CPTPP được thực thi đã tạo thêm động lực cho các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và phát triển hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng 22,2% so với tháng cùng kỳ 2020. Trong đó, ngành chế biến – chế tạo tăng 27,2% và đóng góp hơn 1/5 mức tăng chung.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm các loại trong tháng 1 đạt hơn 2,65 triệu tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Bán hàng thép thành phẩm các loại là hơn 2,11 triệu tấn, tăng 55%. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 458.000 tấn, tăng 61%.
Một trong các nhân tố lý giải mức đi lên mạnh mẽ này là việc Tết Nguyên đán năm nay rơi vào giữa tháng 2, trong khi Tết năm ngoái diễn ra vào tháng 1 nên sản lượng năm ngoái tương đối thấp.
Tất cả nhóm mặt hàng đều ghi nhận tăng trưởng tiêu thụ trong tháng 1/2021, thấp nhất là thép xây dựng với 10,6%, cao nhất là thép cuộn cán nóng (HRC) với 148,2%.
Thép xây dựng: Thị phần của Hòa Phát sụt giảm
Các doanh nghiệp thành viên của VSA đã tiêu thụ tổng cộng 669.000 tấn thép xây dựng trong tháng đầu năm 2021, cao hơn 10,6% so với cùng kỳ. Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tiếp tục dẫn đầu với sản lượng hơn 186.000 tấn, tăng 6% – thấp hơn trung bình toàn ngành. Vì vậy thị phần của Hòa Phát giảm từ 32,5% trong cả năm 2020 xuống còn 27,8%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán HSC nhận định tiêu thụ thép xây dựng tháng 1 của Hòa Phát gây thất vọng khi không thể tăng đáng kể so với mức thấp trong tháng 1/2020 – giai đoạn chịu ảnh hưởng của Tết Nguyên đán.
Tiêu thụ thép của Hòa Phát trong nước đạt 149.000 tấn, chỉ đi ngang so với cùng kỳ và giảm tới 43% khi so với tháng 12/2020. Sản lượng xuất khẩu đạt 37.000 tấn, tăng 37,8% so với cùng kỳ nhưng giảm 37,3% so với tháng liền trước.
Tuy sa sút trong nhóm hàng thép xây dựng nhưng bù lại, Hòa Phát lại đẩy mạnh tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC). Vì vậy, Chứng khoán HSC vẫn kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I của Hòa Phát sẽ khả quan.
HRC: Formosa Hà Tĩnh vẫn dẫn đầu nhưng không còn thế độc tôn
Trong tháng 1, Hòa Phát cho ra lò 189.000 tấn HRC, tiêu thụ trên 252.000 tấn (do tồn kho từ các tháng trước cũng được mang ra bán). Đây là sản lượng tiêu thụ HRC cao nhất của Hòa Phát từ trước đến nay và đóng góp vào tăng trưởng chung của thị trường HRC tháng đầu năm.
Tồn kho cuối tháng 1 của Hòa Phát là gần 47.000 tấn. Cả năm 2021, Hòa Phát dự kiến sản xuất 2,7 triệu tấn HRC, cao gấp 4 lần năm ngoái.
Hòa Phát bắt đầu sản xuất HRC từ tháng 5/2020. Sau 9 tháng, vào ngày 20/2 vừa qua, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã cán mốc sản lượng 1 triệu tấn. Trước đó, Formosa Hà Tĩnh là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất được HRC.
Trong tháng đầu năm nay, Formosa cho ra lò 369.000 tấn HRC, tiêu thụ 418.000 tấn – trong đó hơn 60% là ở thị trường miền Nam.
Tập đoàn Hòa Phát mới đây công bố chiến lược mở rộng sang mảng sản xuất vỏ container để tận dụng giai đoạn cước vận tải biển tăng cao vì thiếu hụt container.
Dự kiến mỗi năm, Hòa Phát sẽ sử dụng khoảng 1 triệu tấn HRC chất lượng cao để cho ra 500.000 TEU (đơn vị tương đương một container loại 20 feet). Nhà máy có thể đi vào hoạt động từ quý II/2022.
Tôn mạ và ống thép: Hoa Sen gia tăng thị phần
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) tiêu thụ xấp xỉ 145.000 tấn tôn mạ trong tháng vừa qua, trong đó xuất khẩu đạt gần 94.000 tấn, tương đương gần 65%. Thị phần của Hoa Sen tăng vọt từ 33,4% trong cả năm 2020 lên thành 37,5% trong tháng đầu năm nay.
Trong những ngày Tết Nguyên đán giữa tháng 2, Hoa Sen tiếp tục thực hiện các đơn hàng xuất khẩu cho đối tác ở châu Âu, châu Mỹ.
Tập đoàn Hòa Phát cũng tiêu thụ 25.361 tấn tôn trong tháng 1. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát báo cáo sản lượng bán hàng tôn mạ cho VSA. Hòa Phát hiện có một nhà máy cán tôn tại Hưng Yên với công suất thiết kế 400.000 tấn/năm.
Ở mảng ống thép, Hoa Sen bất ngờ vượt qua Hòa Phát. Cụ thể, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ bán ra 40.359 tấn, chiếm 22,76% thị phần; còn tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long tiêu thụ 39.994 tấn, tương đương 22,56% thị phần.
Trong năm 2020, thị phần ống thép của Hoa Sen và Hòa Phát lần lượt là 16,8% và 31,7%.
Ngành thép vẫn là ngành hưởng lợi nhiều nhất từ giá vật liệu tăng và một phần từ việc các chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong những tháng cuối năm COVID-19 thứ nhất
Nhóm xi măng vẫn ở trong thế dư cung năm 2020
Trong khi giá thép tăng kỷ lục trong năm 2020, giá than cũng tăng theo, giá điện về cơ bản cũng tăng lên (đối với sản xuất) thì giá xi măng vẫn chưa được tăng. Điều này đã khiến các doanh nghiệp xi măng vẫn ở trong thế khó.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2020 cho thấy, CTCP Xi Măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) hiện dẫn đầu thị phần tại khu vực miền Nam, chỉ lãi 154 tỷ đồng trong quý cuối năm, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần giảm xuống còn 2.212 tỷ đồng.
Kết quả năm 2020, Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.963 tỷ đồng, lãi sau thuế 615 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 17% so với năm 2019.
Trong khi đó, báo cáo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho thấy năm 2020, doanh thu thuần toàn công ty đã giảm 2.508 tỷ đồng và lãi trước thuế cũng mất đi khoảng 1.149 tỷ đồng, lần lượt ghi nhận 32.366 tỷ đồng và 2.032 tỷ đồng, hoàn thành sít sao kế hoạch năm.
Doanh nghiệp nhựa vững chãi qua mùa dịch
Ở diễn biến của mảng sản xuất nhựa, kết quả kinh doanh quý IV của hai doanh nghiệp đại diện làCTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) và CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) diễn biến trái chiều.
Giá dầu bắt đầu hồi phục trong quý IV nhưng vẫn ở mức thấp cũng là cơ hội thúc đẩy lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp ngành nhựa với nguyên liệu đầu vào chủ yếu là hạt nhựa PVC, HDPE.
Trong khi Nhựa Tiền Phong báo lãi quý IV giảm 2 tỷ đồng về 105 tỷ đồng sau thuế do tăng chi phí bán hàng, thì Nhựa Bình Minh báo lãi tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước đó với con số gần 110 tỷ đồng. Cả hai công ty đều có biên lãi gộp tăng trưởng.
Mảng gạch ngói vẫn chưa thể phục hồi một sớm một chiều
Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định trong năm 2020, các lĩnh vực khác của ngành vật liệu xây dựng còn đang tồn kho rất lớn, như gạch ốp lát, kính xây dựng, gạch, ngói… và đang có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt từ gạch nhập lậu từ Trung Quốc và chưa tạo ra sự khác biệt về sản phẩm.
Một công ty trong mảng gạch đại diện là CTCP CMC (Mã: CVT), chuyên sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét và sản xuất các sản phẩm gốm sứ có kết quả kinh doanh tụt dốc trong quý IV.
Kết quả, doanh thu thuần của công ty đạt 387 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế hơn 32 tỷ đồng, chỉ bằng 56% của quý IV/2019.
Cùng chung số phận, CTCP Gạch ngói Nhị Hiệp (Mã: NHC)báo lãi quý IV gần 4 tỷ đồng, bằng 68% cùng kỳ năm 2019. Doanh thu thuần giảm 59% về còn gần 13 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết ít hưởng lợi từ đầu tư công
Ở mảng đá xây dựng, do đặc thù ngành, giá thành đá xây dựng phụ thuộc nhiều vào chi phí vận chuyển.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán VNDirect, ngoại trừ dự án sân bay Long Thành – Đồng Nai ở khu vực gần các mỏ đá khai thác của các công ty khai thác thì các khu vực khác đều có những công ty tư nhân khác cung ứng cho các cao tốc, vì vậy, tiềm năng tác động của hoạt động đầu tư công lên kết quả kinh doanh của các công ty khai thác đá xây dựng được đánh giá là không cao.
Với trường hợp của CTCP Hóa An (Mã: DHA), công ty sở hữu hai mỏ đá tại tỉnh Đồng Nai này ghi nhận doanh thu thuần ở mức 104 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ nhưng lãi sau thuế ghi nhận gần 31 tỷ đồng, tăng đến 75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân một phần đến từ giúp công ty ghi nhận chi phí tài chính âm gần 10 tỷ đồng.
Một năm thăng hoa của ngành thép
Riêng với lĩnh vực thép, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã liên tục khiến các nhà đầu tư đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong năm 2020.
Riêng trong quý IV, Hòa Phát ghi nhận 26.166 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục lịch sử trong một quý của Hòa Phát.
Lũy kế cả năm 2020, Hòa Phát đạt doanh thu hợp nhất 91.279 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng 78%. Giá cổ phiếu của công ty này theo đó cũng dậy sóng trong thời gian dài.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trước tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt ở trong nước năm 2020, các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi đã tạo thêm động lực cho ngành thép.
VSA cho biết năm 2020, giá thép toàn cầu đã kết thúc một năm bất thường ở mức cao và phần lớn đà tăng có khả năng tiếp tục kéo dài đến nửa đầu năm 2021. Điều này cũng giúp hoạt động sản xuất, tiêu thụ thép trong nước tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng cuối năm.
Đối với Hòa Phát, nhờ sản lượng tăng sau khi đưa thêm các lò cao tại Khu Liên hợp Dung Quất vào hoạt động, cùng với giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng cao trong các tháng cuối năm đã góp phần đẩy lợi nhuận công ty tăng mạnh.
Một số doanh nghiệp trong ngành thép theo đó cũng đã được “cải tử hoàn sinh” nhờ giá thép tăng, đơn cử như trường hợp của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) và Thép Pomina (Mã: POM).
Riêng quý IV/2020, Thép SMC đã chuyển từ trạng thái lỗ 6 tỷ đồng cùng kỳ thành lãi 154 tỷ đồng. Quý IV/2020 cũng là quý ghi nhận mức lợi nhuận của SMC cao nhất kể từ khi hoạt động.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Thép Pomina là 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 58 tỷ đồng. Theo giải trình, dự án lò cao đi vào hoạt động trong quý IV đã mang lại hiệu quả giá thành giảm. Đồng thời, lãi vay và chi phí hoạt động giảm, cùng với khoản lợi nhuận khác hơn 50 tỷ đồng đã giúp công ty chuyển từ trạng thái lỗ sang lãi 144 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp ngành tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng hưởng lợi kép nhờ sản lượng tiêu thị và giá bán cùng tăng trong khi doanh nghiệp lưu kho giá vật liệu thấp.
Theo Chứng khoán SSI, tỷ suất lợi nhuận tăng do Hoa Sen tích lũy được nguyên liệu HRC giá rẻ trong khi giá HRC trên thị trường ước tính tăng 35% trong quý gần đây lên khoảng 700 USD/tấn vào cuối năm 2020.
Triển vọng còn, nhưng dư địa tăng biên lợi nhuận năm 2021 đã hẹp hơn
Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của VNDirect, ngành vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021.
Theo ước tính của VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23.700 tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu. Riêng đối với thép xây dựng, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 6.400 tỷ đồng trong năm nay.
Một động lực khác cho ngành vật liệu xây dựng là từ mảng xuất khẩu, theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI). Xuất khẩu thép và xi măng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Đồng thời, doanh nghiệp thép Việt Nam có thể được hưởng lợi một phần từ kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng mạnh mẽ của Trung Quốc.
Cũng cho rằng ngành vật liệu xây dựng còn triển vọng tăng trưởng trong năm 2021, nhưng các chuyên gia phân tích từ CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, các doanh nghiệp phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào sẽ khó có khả năng tăng biên lợi nhuận so với năm 2020.
VCSC cho rằng, áp lực cạnh tranh hiện tại trong ngành, giá nguyên liệu đầu vào cao và ngành bất động sản nhà ở tăng trưởng khiêm tốn sẽ hạn chế dư địa gia tăng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước, bao gồm Hoà Phát, Hoa Sen và Nam Kim (Mã: NKG).
Trong khi đó, giá nhựa đầu vào phục hồi mạnh từ mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2020 sẽ tạo thêm áp lực cho biên lợi nhuận của các nhà sản xuất ống nhựa như BMP trong năm 2021.
Vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đã đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp thép năm 2020. Bước sang năm 2021, chi tiêu công vẫn sẽ là nhân tố tích cực cho ngành vật liệu xây dựng nói chung và thép nói riêng
Năm 2020 vừa qua, ngành thép trong nước đã được hưởng lợi đáng kể từ xu hướng gia tăng đầu tư công của Chính phủ. Trong bối cảnh dịch bệnh khiến nhiều ngành kinh tế điêu đứng, tổng sản lượng tiêu thụ thép năm 2020 vẫn tăng nhẹ 1,4% so với 2019.
Trong đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép xây dựng và thép cán nguội chỉ giảm lần lượt 1,2% và 5,2%, còn lại thép cán nóng (HRC), tôn mạ và ống thép tăng tương ứng 4,7%, 4,4% và 8,8%.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) kỳ vọng gia tăng chi tiêu công của Chính phủ sẽ hỗ trợ ngành xây dựng cũng như vật liệu xây dựng (VLXD), trong đó có thép.
Dịch COVID-19 đem đến các thách thức mới cho ngành VLXD vốn đã đối mặt với tăng trưởng nhu cầu khiêm tốn trong các năm gần đây. Tuy nhiên, đại dịch này cũng đã khiến Chính phủ gia tăng giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hoạt động xây dựng đã tăng tốc từ cuối năm 2020, nhưng VCSC dự báo tác động từ các chính sách kích thích của Chính phủ sẽ được phản ánh hoàn toàn trong năm 2021. Do đó, tăng trưởng chung của ngành VLXD có khả năng sẽ phục hồi đạt mức 10 – 15% trong năm 2021 từ mức cơ sở thấp 0 – 3% ước tính cho năm 2020.
Kế hoạch chi ngân sách Nhà nước cho cơ sở hạ tầng và phát triển trong năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, tăng 10% so với ngân sách năm 2019 và tăng 6% so với giải ngân thực tế năm 2019. Trong 11 tháng đầu năm 2020, giải ngân thực tế đạt 336.000 tỷ đồng, tương ứng 71% kế hoạch năm.
Kế hoạch chi ngân sách Nhà nước cho cơ sở hạ tầng và phát triển trong năm 2021 là 477.300 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với năm 2020. Ngân sách cộng dồn từ các năm trước và hai tháng cuối cùng của năm 2020 đạt xấp xỉ 841.300 tỷ đồng vốn đầu tư công sẵn sàng giải ngân.
Trong tháng 5/2020, Chính phủ đã trình Quốc hội chuyển đổi hình thức đầu tư của 3/8 giai đoạn thuộc dự án Cao tốc Bắc – Nam thành dự án 100% sử dụng ngân sách Nhà nước thay vì đầu tư PPP (hợp tác công tư). Ngân sách cho ba dự án này ước tính vào khoảng 78.500 tỷ đồng.
Nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng của Việt Nam trong dài hạn, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư PPP vào ngày 18/6/2020. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, dự kiến sẽ giúp phát triển môi trường đầu tư minh bạch cho các nhà đầu tư PPP.
VCSC đánh giá Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) là công ty hưởng lợi chính từ mức tăng trong chi tiêu công của Chính phủ sau dịch COVID-19.
Năm 2020, thép xây dựng Hòa Phát được sử dụng trong nhiều công trình hạ tầng lớn như: Tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội, Vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long), Cao tốc Bắc Nam (đoạn qua Quảng Trị – Huế), Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Cầu Cửa Hội (Nghệ An), Cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Dự án cải tạo Sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, …
Hòa Phát có lợi thế nhờ danh mục sản phẩm đầy đủ từ phôi thép, thép cán nóng (HRC), tới thép xây dựng, ống thép và tôn mạ. Sản lượng của Hòa Phát trong năm 2021 cũng tiếp tục tăng trưởng so với 2020 nhờ vận hành lò cao số 4 tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất.
Tháng 1 vừa qua, Hòa Phát sản xuất 670.000 tấn thép thô, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2020, Hòa Phát gia tăng thị phần thép xây dựng từ 26,2% lên 32,5%; thị phần ống thép từ 31,5% lên 31,7%; tổng sản lượng thép đạt kỷ lục 5,8 triệu tấn.
Trong năm 2021, VCSC dự báo Hòa Phát sẽ tăng trưởng sản lượng bán hàng của tất cả dòng sản phẩm hiện hữu. Cụ thể là thép xây dựng +14%, ống thép +5% và tấm tôn mạ +20% so với năm 2020.
Ngoài ra, Hòa Phát còn đặt mục tiêu bán 2,7 triệu tấn HRC trong năm nay, cao gấp 4 lần mức 686.000 tấn của năm 2020. Những sự gia tăng sản lượng nói trên sẽ là yếu tố chính dẫn dắt doanh thu của Hòa Phát đi lên.
Giá nguyên liệu đầu vào phục hồi mạnh vào cuối năm 2020, bao gồm quặng sắt và thép cuộn cán nóng (HRC), nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu xây dựng gia tăng tại Trung Quốc. Đây là chỉ báo tích cực cho ngành thép khi hỗ trợ đà tăng của giá thép thành phẩm.
Tuy nhiên, VCSC đánh giá áp lực cạnh tranh hiện tại trong ngành, giá nguyên liệu đầu vào cao và ngành bất động sản nhà ở tăng trưởng khiêm tốn sẽ hạn chế dư địa gia tăng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước, bao gồm Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim.
Với Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Chứng khoán Bản Việt kỳ vọng cạnh tranh sẽ gia tăng trong năm tài chính 2021, từ đó tạo áp lực lên khả năng ghi nhận tăng trưởng sản lượng cao hơn của Hoa Sen so với toàn ngành.
Do đó, VCSC dự báo sản lượng bán tôn mạ của Hoa Sen sẽ tăng 5% và sản lượng bán ống thép tăng 2% trong năm tài chính 2021 (từ 1/10/2020 đến 30/9/2021).
Sự phục hồi của giá HRC giúp biên lợi nhuận của Hoa Sen tăng lên mức 18,3% trong quý IV năm tài chính 2020. Biến động giá HRC có thể tạo thêm cơ hội gia tăng biên lợi nhuận gộp trong năm tài chính 2021, nhưng VCSC cho rằng khả năng này khó có thể diễn ra khi giá HRC hiện đã đạt mức cao nhất trong 9 năm qua.
Do đó, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen được dự báo giảm từ 16,8% trong năm tài chính 2020 xuống còn 15,7% trong năm tài chính 2021. Thực tế trong quý từ 1/10 đến 31/12/2020, biên lãi gộp của Hoa Sen là gần 16,5%.
Hoa Sen không có kế hoạch mở rộng công suất lớn nào trong ngắn hạn; do vậy VCSC kỳ vọng công ty sẽ sử dụng dòng tiền mặt tự do để thanh toán dần nợ trong vài năm tiếp theo, giúp giảm chi phí lãi vay. Thực tế trong năm tài chính 2020, Hoa Sen đã giảm hơn 1.500 tỷ đồng nợ vay trên bảng cân đối kế toán và 186 tỷ đồng lãi vay trên báo cáo kết quả kinh doanh.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng đối với các cổ phiếu ngành tôn mạ và ống thép trong năm 2021. Tuy tăng trưởng ngành trong dài hạn vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô nhưng khả năng sinh lời của nhóm nhà sản xuất hạ nguồn này nhiều khả năng sẽ chịu sức ép.
Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu vẫn có trong những quý mà kết quả kinh doanh hưởng lợi do tăng sản lượng bán hàng hoặc diễn biến giá nguyên liệu thuận lợi. Tuy nhiên, trong dài hạn, các nhà đầu tư vẫn cần theo dõi diễn biến về cạnh tranh ngành để có quyết định phù hợp.
Sản lượng thép của Trung Quốc tăng mạnh để đáp ứng sự bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng hậu coronavirus là điều hoàn toàn tự nhiên trong năm nay, dẫn đến tồn kho thép và quặng sắt tăng cao trong khi nhu cầu thép giảm.
Theo các nhà phân tích, giá quặng sắt giảm trong tuần qua từ mức cao nhất trong sáu năm gần 130 USD/tấn vào cuối tháng 8 báo hiệu nhu cầu thép đang chững lại. Giá quặng sắt vận chuyển bằng đường biển đã giảm xuống khoảng 117 USD/tấn vào thứ Tư.
Giá quặng sắt là thước đo chính về sức khỏe kinh tế ở Trung Quốc và trên thế giới, với giá cao và tăng cho thấy hoạt động xây dựng đang diễn ra mạnh mẽ. Năm 2015, giá quặng sắt giảm xuống dưới 40 USD/tấn khi hoạt động xây dựng ở Trung Quốc giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Giá quặng sắt giảm của Trung Quốc có thể cho thấy sự hạ nhiệt tạm thời của sự mở rộng kinh tế, do sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng và các dự án bất động sản sau khi dỡ bỏ các lệnh đóng cửa bắt đầu chậm lại sau 5 tháng tăng trưởng tích cực.
Các nhà phân tích cho biết, các dự án bị đình trệ do mưa lớn và lũ lụt, các kỳ nghỉ lễ sắp tới và mùa đông bắt đầu, kết hợp với biên lợi nhuận tại các nhà máy thép giảm mạnh do giá quặng sắt đắt đỏ cũng góp phần khiến nhu cầu và sản xuất yếu đi.
Sau các chuyến hàng lớn của Úc và Brazil hồi đầu năm, các kho dự trữ quặng sắt hiện chất đống tại các cảng, gây thêm áp lực lên giá.
Paul Bartholomew, người đứng đầu thị trường kim loại ở Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Sản xuất thép đã bắt đầu giảm vào tháng 9, điều này không thực sự gây ngạc nhiên vì cho vay đối với lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng thắt chặt.
“Chúng tôi cho rằng sản lượng thép đạt đỉnh trong năm nay vào tháng 8 và sẽ thấp hơn trong thời gian còn lại của năm nay.”
Bartholomew cho biết, việc sản xuất thép chậm lại không có nghĩa là sản xuất thép sẽ ngừng lại, ông Bartholomew cho biết thêm nhu cầu và sản lượng sẽ tăng trong năm mới, mặc dù với tốc độ chậm hơn.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities, cho biết phải mất từ sáu đến chín tháng để kích thích cơ sở hạ tầng của chính phủ có tác dụng vào nền kinh tế, với sự gia tăng và dòng chảy trong sản xuất thép.
Widnell nói về triển vọng quặng sắt: “Đó là một thị trường tăng cao cuối cùng cũng thoát ra một chút và bây giờ, nhược điểm sẽ trở nên trầm trọng hơn do khối lượng cung cấp lớn từ Úc và Brazil”. “Chúng tôi thậm chí còn chưa bắt đầu thấy được toàn bộ mức tiêu thụ thép do kích thích.”
Bartholomew cho biết các điều kiện tín dụng nới lỏng đã giúp thúc đẩy thị trường thép sau khi đóng cửa, nhưng tiền đã thắt chặt gần đây, làm chậm việc xây dựng mới, Bartholomew nói.
Ông nói: “Có thể lập luận rằng giá cả và tâm lý quá nóng phần nào do kỳ vọng có nhiều kích thích hơn đối với cơ sở hạ tầng nói chung.
Betty Wang, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại ANZ Research, cho biết trong một lưu ý rằng việc tín dụng cho các dự án bất động sản giảm xuống trùng với kế hoạch của chính phủ nhằm hạ nhiệt hoạt động đầu cơ và giá bất động sản bằng cách hạn chế khả năng gánh nợ mới của các nhà phát triển.
Các biện pháp mới bao gồm giới hạn tỷ lệ nợ trên dòng tiền, tài sản và mức vốn. Trước đây, chính phủ chỉ tập trung vào việc điều tiết các tổ chức tài chính hoặc giá bất động sản, Wang nói.
Theo các nhà phân tích, mưa và lũ lụt ở các vùng của Trung Quốc kéo dài hơn bình thường trong năm nay cũng đã khiến các dự án bị chậm lại và làm giảm nhu cầu thép.
Ngoài ra, các nhà máy thép thường bắt đầu sản xuất chậm lại vào tháng 9 và tháng 10 khi các kỳ nghỉ lễ dài diễn ra và trước khi tiêu thụ thép chậm lại vào mùa đông, Liu Xinwei, trưởng nhóm nghiên cứu từ Sublime China Information cho biết.
Các nhà phân tích kim loại Mysteel Global cho biết tồn kho thép không gỉ tại các kho thương mại ở Vô Tích và Phật Sơn, hai trung tâm thương mại không gỉ cốt lõi của Trung Quốc, đã tăng tuần thứ hai liên tiếp sau khi “nhu cầu từ người dùng cuối suy yếu dai dẳng”.
Theo Widnell, khi sản xuất thép chậm lại, các công ty khai thác quặng sắt thấy các lô hàng lớn đậu tại các cảng của Trung Quốc.
Ông nói: “Tồn kho quặng sắt bên bờ cảng sẽ tăng lên trong vài tuần tới khi các lô hàng lớn của Úc và Brazil cập cảng Trung Quốc trong khi tỷ lệ tiêu thụ nội địa không thể theo kịp”.
“Chúng tôi hoàn toàn mong đợi người dùng cuối sẽ nỗ lực vượt qua lượng thép tồn kho tương đối cao… Sản lượng xuất khẩu của Úc và Brazil sẽ phản ứng với việc tiêu thụ của Trung Quốc giảm trong giai đoạn này, nhưng nó có thể sẽ là một phản ứng được đo lường khi Vale đang khôi phục sản nghiệp đã mất ”.
Các nhà phân tích kỳ vọng sản lượng thép chậm hơn trong quý 4 sẽ đẩy giá quặng sắt xuống khoảng 90 – 110 USD/tấn vào cuối năm nay.
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm mạnh 60 nhân dân tệ xuống 3.685 nhân dân tệ/tấn vào lúc 12h30 (giờ Việt Nam)
Giá thép xây dựng hôm nay
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm mạnh 60 nhân dân tệ xuống 3.685 nhân dân tệ/tấn vào lúc 12h30 (giờ Việt Nam).
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 2/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 1,0% lên 15.705 nhân dân tệ/tấn vào thứ Năm (26/9) sau khi ra mắt thị trường mờ nhạt vào thứ Tư (25/9), theo Reuters.
Tuy nhiên, giá thép thanh xây dựng giảm 1,4% xuống còn 3.445 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép cuộn thép cán nóng giảm 1,7% xuống còn 3.460 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt kì hạn tăng hơn 2% mặc dù số lượng giao dịch rất ít trước lễ kỉ niệm Quốc khánh do tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nâng cao tâm lí nhà đầu tư.
Giá quặng sắt được giao dịch nhiều nhất, giao tháng 1/2020, trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên chốt phiên tăng 2,2% lên 637 nhân dân tệ/tấn (tương đương 89,39 USD/tấn) sau khi tăng tới 3% trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (25/9) cho biết một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài gần 15 tháng với Trung Quốc có thể xảy ra sớm hơn mong đợi.
Mặc dù vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sớm đạt được thỏa thuận hay không, Trung Quốc cho biết họ đang liên lạc với Mỹ và chuẩn bị tiến trình tại các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 10.
Các thành phố xung quanh Bắc Kinh đã áp biện pháp hạn chế sản lượng thường xuyên đối với các nhà máy thép, nhà sản xuất than cốc và ngành công nghiệp khác để cải thiện chất lượng không khí, chuẩn bị kỉ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào ngày 1/10.
Nhu cầu quặng sắt chậm lại do nhiều nhà máy thép ngừng hoạt động trong bối cảnh hạn chế sản xuất chặt chẽ hơn trước lễ Quốc Khánh.
Sự phục hồi nhu cầu đối với quặng sắt và than cốc ở Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thời gian các hạn chế sản xuất được thi hành.
Bộ môi trường Trung Quốc đã cảnh báo điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ dẫn đến một đợt bùng phát khói bụi kéo dài và lan rộng dọc theo bờ biển phía đông trong khoảng hai tuần.
Thành phố công nghiệp nặng Từ Châu thuộc tỉnh Giang Tô, nơi có hơn 10 công ty thép, hiện cũng bị hạn chế sản xuất với các nhà máy địa phương được ra lệnh đóng cửa bắt đầu từ ngày 26/9.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% giao cho Trung Quốc ổn định ở mức 93 USD/tấn trong tuần này.
Tại Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 10 tăng 2,3% lên 88,89 USD/tấn vào cuối phiên giao dịch.
Công ty Vale SA, Brazil sẽ bắt đầu cung cấp một sản phẩm quặng sắt cao cấp mới, GF88, trong quí đầu tiên của năm 2020.
Giá các nguyên liệu sản xuất thép khác giao dịch trái chiều với giá than mỡ kết thúc phiên giảm 0,1% xuống 1.887,5 nhân dân tệ/tấn dù đạt được lợi nhuận trước đó trong khi giá than cốc tăng 0,5% lên 1.253 nhân dân tệ/tấn.
Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro công suất bất hợp pháp ngày càng tăng, một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cho biết.
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 29 nhân dân tệ xuống 3.742 nhân dân tệ/tấn vào lúc 12h30 (giờ Việt Nam).
Thép không gỉ trượt giá trong phiên giao dịch đầu tiên do lo ngại chiến tranh thương mại
Giá thép xây dựng hôm nay
Giá thép thanh giao tháng 10 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 29 nhân dân tệ xuống 3.742 nhân dân tệ/tấn vào lúc 12h30 (giờ Việt Nam).
Hợp đồng thép giao sau rút lui sau khi tăng vào thứ Ba (24/9) với giá thép thanh xây dựng giảm 0,5% xuống 3.498 nhân dân tệ/tấn, theo Reuters.
Giá thép cuộn thép cán nóng giảm 0,3% xuống còn 3.511 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt chốt phiên giảm 1,7% xuống 624,50 nhân dân tệ/tấn.
Hợp đồng thép không gỉ giao sau của Trung Quốc giảm 2% trong ngày đầu tiên giao dịch vào thứ Tư (25/9) khi diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh xua tan mối lo ngại về nhu cầu kim loại đen.
Hợp đồng thép không gỉ giao tháng 2/2020 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống mức thấp 15.280 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2.147,45 USD/tấn) từ mức giá cơ bản 15,585 nhân dân tệ/tấn, trước khi đóng cửa giảm 0,1% xuống còn 15.575 nhân dân tệ/tấn.
Trong một bài phát biểu vào ngày 24/9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ không dung túng cho các hoạt động thương mại của Trung Quốc và ông sẽ không chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ trong các cuộc đàm phán thương mại.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ủy viên Hội đồng nhà nước Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ không khuất phục trước các mối đe dọa kể cả về thương mại, đồng thời bày tỏ hi vọng rằng một vòng đàm phán thương mại cấp cao vào tháng tới sẽ mang lại kết quả tích cực.
Tranh chấp thương mại, đã che mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các nước đang phát triển ở châu Á, có thể sẽ tiếp tục vào năm 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết hôm thứ Tư.
Hợp đồng thép không gỉ đầu tiên trên thị trường có khối lượng giao dịch đạt 186.460 lô, mỗi lô 5 tấn và chỉ có một vài công ty tham gia vào đợt giao dịch đầu tiên.
Hàng tồn kho thép không gỉ Trung Quốc tăng lên trong bối cảnh nhu cầu giảm, gây thêm áp lực lên giá cả.
Các kho dự trữ thép không gỉ của Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với đầu năm và ở mức 588.000 tấn tính đến ngày 12/9, tăng 37% so với năm ngoái, theo dữ liệu từ Argonaut Securities.
Giá than cốc thua lỗ tại các thị trường kim loại màu của Trung Quốc khi nhu cầu chậm lại trong bối cảnh hạn chế sản lượng thép và than cốc do chiến dịch chống khói bụi nghiêm ngặt trước lễ kỉ niệm Quốc khánh vào tuần tới.
Hợp đồng than cốc được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 2,3% xuống 1.895,5 nhân dân tệ/tấn sau khi giảm 3,3% trước đó.
Giá than mỡ kéo dài thua lỗ phiên thứ bảy liên tiếp, giảm 1% xuống còn 1.256 nhân dân tệ/tấn.