Bộ Tài chính xây dựng 19 thông tư miễn, giảm phí, lệ phí
Bộ Tài chính đang có nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp ngày 9/5.
‘Kỷ lục’ soạn thảo các quy định, hướng dẫn gia hạn, giảm thuế
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)) và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 và có các hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Bộ Tài chính cũng đã chủ động, chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như: Miễn lệ phí môn bài đối với nhiều đối tượng; miễn thuế nhập khẩu kịp thời đối với nguyên liệu sản xuất và một số mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh; giảm nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50% mức phí thẩm định cấp lại giấy phép hoạt động bưu chính; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm giá và miễn hoàn toàn không thu phí đối với một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn, giảm thuế như thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm); điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc dẫn đến giảm thuế thu nhập cá nhân (số thuế dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 10.800 tỷ đồng mỗi năm); tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 (dự kiến số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn có tác động hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm).
Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản của 18 Bộ, trong đó có 15/18 Bộ đề xuất giảm các khoản phí, lệ phí đến hết năm 2020. Ngay khi nhận được đề xuất của các Bộ, Bộ Tài chính đã xây dựng 19 dự thảo Thông tư quy định miễn, giảm phí, lệ phí và gửi xin ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đến nay đã ban hành được 8 Thông tư và sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành các Thông tư khác cơ bản trong tuần tới.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vào đầu tháng 5/2020 Bộ Tài chính đã tích hợp 93 thủ tục hành chính thuế (thủ tục khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ; khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT doanh thu; khai quyết toán thuế TNDN; dịch vụ khai thuế đối với cá nhân có tài sản cho thuê…) lên cổng dịch vụ công quốc gia nhằm hỗ trợ người nộp thuế khai thuế mọi lúc, mọi nơi và đảm bảo công khai, minh bạch các thủ tục hành chính thuế. Như vậy, đã hoàn thành trước 6 tháng so với kế hoạch.
Tiếp tục đề xuất giải pháp đồng bộ trong thời gian tới
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu ngân sách giảm lớn do chịu tác động bởi 4 yếu tố chính đó là: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu; giá dầu thô giảm sâu; điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp chậm…
Thực tế tiến độ thu NSNN đang có dấu hiệu giảm dần: tháng 1 thu 11% dự toán, tháng 2 thu 6,3% dự toán, tháng 3 thu 7% dự toán, tháng 4 thu 5,9% dự toán, trong khi cùng kỳ thu tháng 4 các năm gần đây đạt 8,5-10% dự toán). Tổng thu NSNN luỹ kế trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019 và dự báo cả năm 2020, thu NSNN sẽ giảm khoảng 130 nghìn – 150 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, về chi ngân sách, phải tăng chi cho các hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội đồng thời, vẫn phải đáp ứng đủ nguồn lực cho chi đầu tư phát triển để góp phần duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Do vậy, Bộ trưởng Tài chính cho rằng: Việc điều hành cân đối ngân sách đang là thách thức lớn và là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn của Chính phủ, các cấp, các ngành trong năm 2020.
Việc khôi phục dần các hoạt động trên cơ sở nới lỏng giãn cách xã hội cũng đang là lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển và đây cũng chính là thời điểm bước vào giai đoạn mới của thực hiện nhiệm vụ kép vừa tiếp tục chống dịch vừa thực hiện phục hồi kinh tế – xã hội. Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Trước tiên, Bộ trưởng Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục bám sát các nội dung về thuế đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm được ban hành và tổ chức triển khai thực hiện tốt ngay sau khi được ban hành.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã đề xuất giảm thuế 24 nhóm mặt hàng; miễn thuế toàn bộ nguyên liệu, linh kiện, vật tư để sản xuất các ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Các quy định tại dự thảo sẽ tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản…
Bộ Tài chính cũng sẽ sớm trình Chính phủ việc giảm tiền thuê đất cho các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; giảm tiền chậm nộp đối với các doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế GTGT; xem xét thực hiện gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/bản scan C/O để nộp cơ quan hải quan để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán như: lùi thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thêm 03 tháng (đến trước ngày 30/9), giảm thời hạn công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ (từ 7 ngày xuống còn 1-2 ngày); cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nếu đủ điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, đang phối hợp sát sao với các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
“Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực thuế, phí, lệ phí và các giải pháp tài chính khác để nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
(Nguồn: baochinhphu.vn)
Bình Luận